Lọc khí (Air Filter) chỉ là một bộ phận đơn giản nhưng rất quan trọng cho xe, không khác cái lỗ mũi quan trọng đối với con người.
1. Bộ lọc khí là gì?
Sở dĩ phải gọi rõ tên bộ lọc khí là vì ngoài nó ra, xe hơi còn có một bộ lọc khác, đó là lọc xăng (fuel filter). Nhưng lọc xăng chưa phải là đề tài chúng ta nói tới ở đây.
Nói về lọc khí cũng có 2 thứ: Một là lọc khí trong đầu máy (engine air filter), hai là lọc khí trong khoang hành khách (cabin air filter). Hôm nay, xin nói đến bộ lọc để đưa khí vào trong đầu máy.
Cũng như con người cần dưỡng khí cho buồng phổi, chiếc xe cũng cần phải có dưỡng khí cho hoạt động cháy nổ trong đầu máy. Không có dưỡng khí - mà chúng ta thường quen gọi là không khí - để thở, bạn cũng như tôi chúng ta đều… xí lắc léo. Cái xe hơi cũng vậy, không có không khí nạp vào, cái xe không nổ máy được. Vậy mà trước nay chúng ta cứ tưởng rằng chỉ cần xăng. Tưởng như vậy thì không khác gì cho rằng em bé ra đời được là chỉ nhờ… người mẹ!
2. Vai trò bộ lọc khí
Xem ra vai trò cái lỗ mũi không phải tầm thường, chúng ta cần bỏ chút thời giờ để nghiên cứu và chăm sóc. Trước tiên, mở nắp đậy đầu máy, bạn có thể nhận ngay ra một cái ống cao su khá lớn, một đầu nối với máy, đầu kia thông ra ngoài trời để lấy không khí. Nhưng không khí hút qua ống chưa thể chạy thẳng vào xi lanh ngay. Trước khi được “tiến cung”, cái khối không khí tạp nhạp đó phải được sàng lọc sạch sẽ đã. Đó chính là nhiệm vụ của bộ lọc, một dụng cụ bằng giấy, vải hoặc “xốp”, được xếp lại thành nhiều nếp để tăng cường diện tích sàng lọc. Rác rến theo khí trời vào ống, bị giữ lại tại đây, để cho luồng khí sạch theo các khe xốp tiến vào, hòa với xăng làm thành một hỗn hợp cháy nổ và thực hiện chức năng đầu máy….
Rác rến tích lũy lâu ngày chầy tháng, bít luôn các “khe thở” trên màng xốp khiến không khí không thể lọt qua, hoặc chỉ lọt qua một phần rất ít, không cân xứng với xăng để tạo thành một hỗn hợp đúng mức… gây ra tình trạng máy xe không nổ, hoặc cháy nổ không “tới”, xe không dọt mà lại hao xăng. Bạn có thể kiểm tra việc này bằng cách nhờ người nổ máy rồi ra sau xe đứng nhìn vào ống bô: Làn khói xịt ra bình thường là màu trắng, bây giờ có màu đen, sờ vào thấy ươn ướt, là vì còn lẫn nhiều xăng “sống” do cháy chưa hết thì đã bị thải ra. Thời buổi này, bỏ tiền mua xăng đã đau mà còn phải chịu tiền xăng “sống” trong khí thải nữa thì thật là vô lý, thậm vô lý!
3. Thay lọc khí như thế nào?
* “Nghi thức" thay Air Filter
Trước tiên đậu xe dưới bóng mát trên khoảng sân bằng phẳng. Lật nắp đậy đầu máy lên, và dùng que chống cho chắc chắn để cái nắp sắt kềnh càng ấy khỏi rơi xuống đầu bạn trong lúc đang lui cui làm việc. Để cho máy xe nguội hẳn rồi bắt đầu ra tay.
Trong khi chờ máy nguội thì vào nhà lấy ra những dụng cụ sau: Một con dao cạnh mỏng, 2 cái tuộc-vít cỡ trung – một mũi dẹt (standard) và một mũi khế (Philips) – cùng ít giẻ lau tay.
1. Tìm vị trí Air Filter: Air Filter là một cái màng xốp, hình chữ nhật, hoặc cuốn lại thành hình ống tròn, đặt trong một cái hộp bảo vệ. Trong các loại xe cũ, còn dùng kỹ thuật carburetor, các bạn sẽ thấy hộp bảo vệ hình tròn, trông như cái bánh “đô nất” lớn. Nay thì loại “đô nất” ấy đã thất truyền rồi, trong các đời xe bây giờ, bạn sẽ thấy một cái hộp hình vuông hoặc chữ nhật, gồ lưng lên gần giữa khoang đầu máy, hoặc có thể nghiêng về phía thành xe. Cứ thấy cái hộp nào lớn nhất, không phải kim loại, nối với một ống dẫn lớn một đầu vào máy một đầu chỉa ra ngoài trời, thì là chính nó.
2. Mở hộp đựng Air Filter: Hộp đựng Air Filter được gắn bằng mấy cái móc bấm (clip) kim loại khá lớn. Kê cạnh dao hoặc tuộc-vít đầu dẹt vào móc, nẩy nó ra. Nẩy hết móc bấm chạy quanh chu vi hộp là bạn có thể lấy nắp hộp ra được rồi.
Nếu nhà sản xuất không gắn hộp bằng Clip mà bằng vít dài thì cũng vậy: Dùng tuộc-vít để xoáy chúng ra, rồi “nẩy” nắp hộp lên.
Bạn sẽ nhìn thấy cái Air Filter an vị bên trong, được chế tạo bằng xốp hoặc giấy đặc biệt màu trắng, vàng, cam hoặc đỏ, với nhiều vệt bẩn hoặc bụi nám lỗ chỗ.
3. Lôi Air Filter ra, để kiểm tra xem nó đã bẩn đến mức nào. Soi ra ánh sáng mặt trời. Để cách xa mặt khoảng một tầm tay, rồi bẻ cong lên để cho các kẽ giấy xòe ra như những trang giấy trong một cuốn sách, rồi nhìn vào các khe kẽ đó. Có thấy bụi bậm vào dầu nhớt đóng nhiều trong đó không? Rồi nhìn thẳng, xem mầu giấy vàng nguyên thủy có dơ bẩn nhiều ở trung tâm hay không?
Nhìn xem cho biết thôi, chứ từ ngày mua xe đến giờ đã vài ba năm mà hôm nay mới biết mặt cái Air Filter lần đầu, thì cũng nên thay đi thôi, tốn kém chừng 10 đến 15 Mỹ kim chứ không bao nhiêu.
4. Tạm đậy nắp hộp lại, và bỏ cái Air Filter cũ vào giỏ, cầm ra ngoài tiệm Auto Parts để mua một cái giống hệt như vậy mang về. Quên chưa nói với bạn là, mình có thể dùng chính cái xe ấy - không có Air Filter - để lái ra Auto Parts cũng được. Đi một quãng ngắn thì không sao.
Bởi vì mai kia chúng ta sẽ nói đến việc thay Lọc Xăng (fuel filter), vậy nhân tiện xin nhắn trước với bạn rằng: Chạy xe thiếu Air Filter một chút thì được, nhưng thiếu Fuel Filter chỉ một giây cũng không được đâu nhé.
5. Lắp Air Filter mới vào xe: Lại mở nắp máy lên, để nguội, mở hộp chứa Air Filter và lắp Air Filter mới vào vị trí, rồi cài Clip hoặc xoáy ốc trở lại. Vậy là xong, đúng là dễ dàng lắm, phải không?
* Thay Air Filter bao lâu một lần?
Các bạn có thể coi lại sách Cẩm Nang Chủ Xe (Driver’s Handbook) để biết nhà sản xuất muốn mình thay bao lâu một lần. Nếu trong sách không đề cập chi tiết đó, thì tốt nhất là bạn nên thay Air Filter mỗi năm (12 tháng) một lần, hoặc sau mỗi 12.000 dặm, tùy trường hợp nào đến trước.
* * *
Bây giờ leo lên xe ngồi lái, bạn sẽ có một cảm giác khác hẳn, chiếc xe thở hít nhẹ nhàng hơn, đạp gas “dọt” hơn, luống khói từ ống bô thải ra có màu trắng chứ không đen màu xăng “sống” nữa. Cũng chẳng lạ, lỗ mũi thở dễ dàng hơn thì đương nhiên, mọi sinh hoạt khác cũng phải trơn tru nhẹ nhàng hơn chứ.
www.oto-hui.com (Haosmith)
http://otovnn.net/Home
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét