Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Bảo dưỡng có ý nghĩa như thế nào đối với xe của bạn?

Việc nên dành một khoản ngân sách để kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ là cách tốt nhất để bạn tránh được những chi phí phát sinh bất thường trong quá trình sử dụng xe. Bảo dưỡng nghĩa là bạn phải chăm sóc xe đều đặn và thường xuyên kiểm tra những bộ phận quan trọng trong xe... Thực hiện đúng và đầy đủ những chỉ dẫn sẽ giúp cho xe của bạn gia tăng tuổi thọ và độ bền. Hơn nữa, trong trường hợp bạn không tuân thủ những chỉ dẫn về bảo dưỡng bạn có thể mất quyền được bảo hành.

Khi bảo dưỡng, cần kiểm tra những gì?

- Kiểm tra mức nhớt máy và thay nhớt mới;

- Kiểm tra áp suất vỏ xe, ít nhất là hai tuần/lần, đồng thời kiểm tra độ mòn của ta-lông, gai, các vết xước bất thường dọc theo thành vỏ xe. Khi thay vỏ xe, phải chọn vỏ mới theo đúng kích cỡ đề nghị. Nếu lắp đặt sai vỏ xe có thể ảnh hưởng đến khung sườn, thiết bị lái, hệ thống giảm sóc, đồng thời cũng ảnh hưởng đến đồng hồ đo tốc độ, khả năng kiểm soát động cơ, bộ truyền lực. Khi lắp vỏ xe mới, hãy chạy 100 km đầu tiên ở các tốc độ vừa phải. Thay mới vỏ xe chậm nhất là sau sáu năm bất kể hao mòn thế nào. Điều này cũng áp dụng cho các bánh dự phòng;

- Kiểm tra thắng (phanh) xe của bạn để chắc chắn mọi thứ hoàn hảo. Việc kiểm tra phải do các kỹ thuật viên chuyên nghiệp thực hiện. Kiểm tra dầu thắng thường xuyên và thay mới hai năm/lần. Trong trường hợp xe của bạn có hệ thống thắng bằng cảm biến điện tử (SBH), hãy thay mới dầu thắng sau mỗi năm. Thường xuyên kiểm tra tất cả các bộ lọc (lọc nhớt, lọc khí, lọc của hệ thống thông hơi cạc-te nhớt, lọc nhiên liệu, bình than hoạt tính chứa hơi xăng - canister và màng lọc khí vào máy lạnh);

- Khi thay nhớt mới đồng thời kiểm tra lọc khí và bình ắc-quy, dây dẫn điện. Bình ắc-quy phải được lắp đặt an toàn, nếu rung sẽ gây thiệt hại đối với tuổi thọ của bình ắc-quy. Bổ sung nước chưng cất cho bình. Các đầu nối với bình ắc-quy phải được làm sạch, gắn chặt và chống ăn mòn;

- Kiểm tra mức nước làm mát, mức dung dịch của hệ thống rửa kính chắn gió, cần gạt nước và các bóng đèn...

Dịch vụ, hư hỏng không thuộc phạm vi bảo hành:

1. Các chi phí bảo dưỡng và những trường hợp sửa chữa như: xúc rửa hệ thống nhiên liệu kể cả hậu quả có thể xảy ra (ví dụ: vòi phun bám bẩn, bugi...); bảo trì và sửa chữa thắng; điều chỉnh dây đai chữ V; cân chỉnh độ cân bằng và độ nhảy của bánh xe; kiểm tra áp suất bánh xe; cân chỉnh độ chụm bánh xe; siết chặt các vít, bulông, đai ốc; chỉnh cân bằng động các bánh răng, thay nhớt và chất bôi trơn; làm sạch đường ray trợt; làm sạch và điều chỉnh vòi xịt nước rửa kính; kiểm tra các chức năng vận hành kể cả chạy thử; kiểm tra mức dầu, chăm sóc bình điện...;

2. Các chi tiết hao mòn như: lọc gió, lọc nhớt, lọc dầu, bugi, tụ điện, bóng đèn (dây điện trở), bố thắng và dây thắng, bánh đà, dây đai V, thanh gạt và cao su gạt nước kính, ống nước làm mát và sưởi nóng, lốp xe...;

3. Sử dụng phụ tùng thay thế không đúng chính hãng;

4. Sử dụng xe không đúng cách;

5. Thay đổi công suất và kiểu dáng xe;

6. Sử dụng vượt quá trọng tải cho phép;

7. Ảnh hưởng của tác nhân bên ngoài;

8. Chăm sóc xe không đúng và sử dụng các sản phẩm bảo dưỡng không được hãng xe chấp nhận;

9. Gắn thêm hoặc thay đổi linh kiện, cụm chi tiết không được hãng xe cho phép;

10. Kính bị bể hoặc trầy xước...

Theo PL TPHCM
http://otovnn.net/Home/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét